AN NINH QUỐC PHÒNG
Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Cư trú năm 2020. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.
Luật Cư trú năm 2020 gồm 07 chương 38 điều, quy định về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.
Dưới đây là một số điểm mới của Luật Cư trú năm 2020:
- Thứ nhất, từ ngày 01/01/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú “giấy” sẽ không còn được sử dụng.
Theo đó, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2023.
Trong trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú.
- Thứ hai, 03 trường hợp sẽ bị thu hồi sổ hộ khẩu.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020: “Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú”.
Trong đó, các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú được quy định tại Điều 26 Luật Cư trú 2020 gồm:
- Thay đổi chủ hộ;
- Thay đổi thông tin về hộ tịch so với thông tin đã được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;
- Thay đổi địa chỉ nơi cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú do có sự điều chỉnh về địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính, tên đường, phố, tổ dân phố, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, cách đánh số nhà.
- Thứ ba, quản lý công dân bằng thông tin trên Cơ sở dữ liệu về dân cư
Khoản 4 Điều 3 Luật Cư trú 2020 quy định: “Thông tin về cư trú phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật; tại một thời điểm, mỗi công dân chỉ có một nơi thường trú và có thể có thêm một nơi tạm trú”.
Đồng thời, khi đăng ký thường trú, khoản 3 Điều 22 Luật này nêu rõ, cơ quan đăng ký cư trú sẽ thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo cho người dân về việc cập nhật.
Như vậy, từ ngày 01/7/2021, việc quản lý cư trú của công dân sẽ được chuyển từ thủ công, truyền thống thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sang quản lý bằng số hóa, thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về cư trú và số định danh cá nhân.
- Thứ tư, thời gian lưu trú dưới 30 ngày không cần đăng ký tạm trú
Khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2020 quy định: “ Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú”. Như vậy, quy định mới cho phép người dân đến và sinh sống tại một địa điểm ngoài địa điểm đã đăng ký thường trú từ 30 ngày trở lên mới phải đăng ký tạm trú.
- Thứ năm, bán nhà có thể bị xóa đăng ký thường trú
Điểm g khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú năm 2020 nêu rõ: “Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, chọ mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp quy định tại điểm h khoản này”
Theo đó, nếu một người đã bán nhà cho người khác, sau 12 tháng kể từ ngày bán nhà chưa đăng ký thường trú ở chỗ ở mới sẽ bị xóa đăng ký thường trú trừ trường hợp:
- Được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, mượn, ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ đó;
- Được chủ nhà mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó.
Ngoài ra, các trường hợp sau đây cũng sẽ bị xóa đăng ký thường trú:
- Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;
- Ra nước ngoài để định cư;
- Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú;
- Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng…
- Thứ sáu, quy định về việc sửa đổi đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình
Khoản 2 Điều 37 Luật Cư trú sửa đổi, bổ sung quy định về hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế nêu tại Luật BHYT như sau: “Hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế (sau đây gọi chung là hộ gia đình) là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú”.
Trong khi đó, quy định cũ đang định nghĩa hộ gia đình tham gia BHYT gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.
Như vậy, từ ngày 01/7/2021 - ngày Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, đối tượng hộ gia đình tham gia BHYT đã thay đổi từ “toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú” sang “cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp”.
Xem đầy đủ Luật cư trú 2020 tại đây.